Người đàn ông chưa vợ, nhận nuôi 12 đứa trẻ ở chân núi Cấm Chủ nhật, 14/04/2013, 10:09 GMT+7 Anh Út Bông chưa một ngày làm cha. Thế mà, anh lại làm cha của những đứa trẻ không phải máu thịt của mình rất khéo. Anh biết tắm cho chúng từ lúc mới lọt lòng, biết hút sữa mỗi khi chúng bị sặc sữa... Nghĩa là, anh biết chăm trẻ nhỏ như hầu hết những bà mẹ cực kỳ khéo tay. Mùng 4 Tết Quý Tỵ, một người đàn bà nghèo khó, lam lũ bế một đứa cháu ngoại sơ sinh đến nhà anh Út Bông. Mẹ anh, bà Võ Thị Ba nhìn đứa bé mà đứt lòng nhưng đành từ chối nhận nuôi vì, “11 đứa trẻ trứng gà, trứng vịt chúng tôi đang cố hết sức để nuôi, nay nhận thêm cháu nữa thì không thể...”. Thế nhưng, người đàn bà vẫn cố, “bà không nhận nuôi, tôi cứ để ở đây...”. Cầm lòng không được, mẹ con bà Ba đành nhận nuôi đứa bé. Thế là, đại gia đình của những đứa trẻ bị bỏ rơi lại thêm thành viên mới...
Bà ngoại mang cháu “đi cho” vào ngày mùng 4 Tết Chúng tôi đến An Giang đúng mùa lễ hội. Dòng người đi trẩy hội đền Vía bà chúa núi Sam, đến các ngôi chùa ở trên núi Cấm nườm nượp. Cảnh sắc mùa xuân đất phương Nam thật đẹp. Có anh Dũng, cán bộ của Hội chữ thập đỏ tỉnh An Giang dẫn đường nên từ thành phố Long Xuyên, chúng tôi qua huyện Châu Đốc rồi đến huyện Tịnh Biên rất thuận lợi. Khi đến xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, chúng tôi lại được anh Nguyễn Trọng Hiếu, cán bộ chữ thập đỏ xã An Hảo đưa đến nhà anh Út Bông. Chúng tôi dừng chân trước ngôi nhà có cây hoa đang trổ đầy bông. Ngôi nhà này nhìn thoáng qua cũng giống như những ngôi nhà khác trong vùng, nhưng khi bước qua cánh cổng rồi, những người khách đến từ Hà Nội, Tây Nguyên là chúng tôi mới tìm ra sự khác biệt. Đó là khi cả chục đứa trẻ lau nhau túa ra, miệng chào rành rọt, “con chào ông, chào bác, chào cô vào chơi”. Anh Út Bông – Người đàn ông đơn thân nhưng có tới 13 đứa con (nay còn 12 do 1 cháu bị bệnh hiểm nghèo đã mất) có nụ cười thật chất phác và cách trò chuyện cởi mở. Mẹ anh, bà Võ Thị Ba người gầy yếu và mái tóc bạc như cước. Nhìn hai mẹ con họ, nhìn đám trẻ rắn rỏi, khỏe mạnh líu ríu quanh nhà, chúng tôi thấy ấm áp vô cùng. Không có cảm giác đây là mái ấm tình thương khi bước vào ngôi nhà này. Điều gì khiến mẹ con anh Bông làm được điều này? Tôi xin bắt đầu câu chuyện của ngày mùng 4 Tết Quý Tỵ vừa qua, ngày mà cái đại gia đình này thêm một thành viên mới – bé Nguyễn Sơn Phú để phần nào lý giải được điều này. Mới sáng sớm mùng 4 Tết Quý Tỵ mà nhà bà Ba đã có khách lạ. Cứ nghĩ rằng, khách du xuân ghé thăm lũ trẻ nên bà ra mở cửa. Thế nhưng, người khách đứng tuổi này không đi một mình. Trên tay bà ta là đứa bé mới vài ngày tuổi. Đứa bé nằm ngủ ngoan trong vòng tay người đàn bà. Trò chuyện, bà Ba mới biết, người này là bà ngoại của bé. Bà ngoại của đứa bé kể rằng, mẹ nó trở dạ khi đang ở nhà vào đúng ngày Tết. Không có tiền đưa đi bệnh viện nên người nhà gọi bà đỡ đến nhà. Nó sinh ra có vẻ nhẹ cân song khỏe mạnh, hai mẹ con đều “mẹ tròn con vuông”. Thế nhưng, khi nó chào đời cũng là lúc, “chiến tranh” nổi lên trong cái gia đình vốn rất khốn khó của bà. Mẹ đứa bé bán vé số. Gặp người đàn ông bán vé số. Khi mẹ nó có thai, người đàn ông kia chối bỏ. Đến ngày sinh, tháng đẻ, mẹ nó không dám đi bệnh viện mà ở nhà rồi trở dạ... Khi nó chào đời, mẹ nó không thể nuôi nổi. Còn bà ngoại nó thì ... Cuối cùng, họ bàn với nhau đem đến cho mẹ con bà Ba ở dưới chân núi Cấm nuôi giúp. Bà Ba vốn nức tiếng trong vùng này là tốt bụng, là đang nuôi cả chục đứa trẻ bị bỏ rơi mà...
Nghe câu chuyện của bà ngoại đứa bé, bà Ba cũng rất cảm thương. Nhìn đứa bé, rồi nhìn chục đứa cháu mà mình đã nuôi từ lúc tấm bé, bà đứt lòng. Thế nhưng, việc mẹ con bà nuôi 11 đứa bé đang tuổi ăn, tuổi lớn quá vất vả rồi. Với lại, hiện bà đã 76 tuổi, cái tuổi “gần đất, xa trời” nên bà không dám nhận. Bà nói rõ với bà ngoại đứa bé về gia cảnh của mình và từ chối. Thế nhưng, người đàn bà này vẫn cương quyết, “bà không nhận thì tôi vẫn để đây”. Đến nước này bà đành bảo con trai đi mời đại diện chính quyền địa phương và làm các thủ tục hành chính để tiếp nhận cháu bé. Thế là trong ngày mùng 4 Tết, cháu bé được khai sinh với cái tên Nguyễn Sơn Phú. Ngày 22 tháng Giêng, tròn nửa tháng cậu bé Phú là thành viên gia đình của những đứa trẻ bị bỏ rơi, tôi cùng ông Khăm Phết Lào, chủ thương hiệu thuốc gia truyền “vua voi” A Ma Kông có mặt trong ngôi nhà này. Cháu bé ngủ ngoan trong nôi, khi ba Bông bế lên, mắt nó nheo nheo rồi mở tròn vo. Rồi miệng nó nở nụ cười. Đúng là con trẻ. Trong trẻo vô cùng. Nghe nói đến việc làm tình nghĩa của anh Út Bông và mẹ của mình, ông Khăm Phết Lào đã đi từ thành phố Buôn Ma Thuột, vượt qua hơn 800km đến tận nơi để trao 20 triệu đồng, đỡ anh Bông phần nào trong việc nuôi đám trẻ. “Anh Bông là người hiếm có, không phải con đẻ mà anh thương mười mấy đứa trẻ như con. Tôi là người may mắn được núi rừng Tây Nguyên cho cây thuốc, tôi có thuốc chữa bệnh cứu người, tôi bán thuốc lấy tiền. Tôi muốn trả ơn núi rừng bằng việc làm giúp anh Bông chút tiền nuôi đám trẻ...”, ông Khăm Phết Lào chia sẻ. Người đàn ông đơn thân có 13 đứa con... Khi chưa đến đây, chúng tôi đã rất cảm phục anh Út Bông và mẹ của mình về nghĩa cử cao đẹp khi nhận hơn chục đứa trẻ bị bỏ rơi về nuôi. Khi đến đây rồi, chúng tôi càng thấy tấm lòng đại lượng, nhân ái của mẹ con anh. Bà Ba cho biết, nếu không có duyên nợ với những đứa trẻ đặc biệt này, thì anh Bông đã có gia đình riêng đề huề như người ta rồi. Đó là năm 2000, khi anh Bông chuẩn bị lấy vợ thì bà nhận được tin từ đứa cháu đang chuẩn bị sinh con ở Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ là có một người phụ nữ nghèo sắp sinh muốn tìm người để cho con. Nghe tin này, bà vội vã đi xe đò xuống bệnh viện. Người phụ nữ đó mang thai ngược nên sinh khó. Thế là mẹ con bà tất tả lo thủ tục để mổ. Đứa bé được lôi từ trong bụng mẹ ra là bé trai, rất khỏe mạnh. “Nó là thằng Nguyễn Sơn Ngọc đây này”, vừa chỉ vào cậu bé rắn rỏi, mập mạp, bà Ba vừa ứa nước mắt nói. Chuyện vợ con của anh Bông lẽ ra vẫn sẽ tiếp tục nếu như năm sau không có tới 3 trường hợp những người phụ nữ mang thai ngoài giá thú cầu cứu đến mẹ con bà. “Ban đầu, định chỉ nhận một đứa, nhưng rồi các cô y tá, điều dưỡng cứ gọi miết, rằng có người này, người kia hoàn cảnh trớ trêu muốn cho con... Thế là trong nhà lúc nào cũng có trẻ sơ sinh, thằng Bông còn thời gian đâu mà nghĩ tới chuyện riêng tư nữa...”, bà Ba chia sẻ. Anh Út Bông chưa một ngày làm cha. Thế mà, anh lại làm cha của những đứa trẻ không phải máu thịt của mình rất khéo. Anh biết tắm cho chúng từ lúc mới lọt lòng, biết hút sữa mỗi khi chúng bị sặc sữa... Nghĩa là, anh biết chăm trẻ nhỏ như hầu hết những bà mẹ cực kỳ khéo tay. Tôi hỏi, anh học được từ đâu, anh Bông cười hiền lành bảo, “từ má tôi. Và từ chính việc chăm sóc đám trẻ này”. Anh Bông chăm sóc những 13 đứa trẻ từ lúc chúng lọt lòng, cả lúc chúng ốm đau nên anh “tích lũy” nhiều kinh nghiệm ... Trò chuyện với bà Ba, tôi phần nào hiểu sự lo lắng của bà. Bà lo cho đám trẻ sau khi bà khuất núi. Bà lo anh Bông sẽ làm gì đây để tiếp tục nuôi dạy chúng. Hiện tại, hoa lợi từ 10ha đất trên núi Cấm chỉ đủ để mua thóc gạo. Nhưng đám trẻ đang tuổi đi học, chúng cần rất nhiều thứ nữa. Rồi mai này, khi bà mất đi, việc chăm sóc, dạy dỗ chúng ... Tôi hỏi anh Bông ý nguyện lấy vợ, anh cười bảo, “đó là duyên trời. Nếu không tìm được người có tâm thực sự, anh sẽ ở vậy nuôi các con”. Là người đơn thân, nhưng anh Bông đang là cha, kiêm làm mẹ của 12 đứa trẻ. Để người cha bao dung, nhân từ này thực hiện được tâm nguyện nuôi những đứa trẻ không phải máu mủ của mình trưởng thành, rất cần sự chung tay của cộng đồng. Hy vọng qua bài viết này, sẽ có nhiều người biết đến đại gia đình của anh và cùng anh làm vơi bớt nỗi bất hạnh của những số phận bị cha mẹ ruồng bỏ từ thủa lọt lòng
Vĩnh Nghi Người viết : admin
Các tin khác :
|