“Cây đại thụ Tây Nguyên” ra đi ở tuổi 103

Chủ nhật, 04/11/2012, 15:57 GMT+7

Cụ A Ma Kong khi còn sống

 
Bản Đôn sáng thứ Bảy, ngày 3/11 có cái gì đó thật đặc biệt. Bản làng yên ắng hơn. Khách du lịch cũng lặng lẽ hơn. Những chú voi ngày thường ngạo nghễ chở khách dạo chơi nay bị cột đứng như… tượng dưới gốc me già. Lúc 2h3’, cụ A Ma Kong, “cây đại thụ của Tây Nguyên” ra đi ở tuổi 103.

4 vợ, 21 người con và 200 cháu chắt

Xuống sân bay Buôn Ma Thuột lúc 8h sáng 3/11, tôi lập tức đón xe đi Bản Đôn. Ngôi nhà sàn 100 năm của gia tộc A Ma Kong vốn là một trong những điểm tham quan của khách du lịch khác hẳn mọi hôm bởi không khí trầm mặc. Tôi nhẹ bước lên chiếc cầu thang cũ kỹ, và chợt dợn chân không dám bước qua ngưỡng cửa.

Con cháu của cụ rất đông, cả trăm người đang ngồi quây xung quanh. Cụ nằm đó, bình thản. Không khí trang nghiêm xong tịnh không có một tiếng khóc. Là người ngoại tộc, tôi chỉ lặng đứng tưởng niệm ông.

Tôi tới ngôi nhà phía đối diện – nhà bà vợ 2 của cụ A Ma Kong và gặp Khăm Phết Lào, con trai thứ 11 của cụ. Khăm Phết cho biết, cụ A Ma Kong trút hơi thở cuối cùng vào lúc 2h3 ngày 3/11. Hiện nay, gia đình đang lo tang lễ cho cụ theo phong tục của người M Nông Lào (cụ A Ma Kong gốc người Lào di cư sang Bản Đôn và kết hôn với người M Nông bản địa).

Chị Mẹ Khánh Linh, con gái của A Ma Kong cho biết, theo phong tục, sau khi trút hơi thở cuối cùng, người chết sẽ được tắm; cúng (gồm: gà nướng, cơm, 1 ché rượu, hoa trắng). Sau đó, tiếp tục mổ lợn, bò để cúng. Trong buổi sáng 3/11 đã giết 2 con lợn, 1 bò để cúng. Và sẽ tiếp tục giết gia súc để cúng tế trong suốt hơn 10 ngày. Con cháu, người dân trong buôn làng sẽ ăn cơm, thịt, uống rượu.

Con cháu người nào cũng hiến lợn, bò, trâu cúng người chết. Sau đó, họ sẽ giữ lại phần hàm của con vật và một phần móng của nó để sau khi chôn người chết, những vật này được để quanh mộ. Nói về ý nghĩa của việc này, chị Mẹ Khánh Linh cho biết, “đó là để người chết cũng có bò, lợn, trâu như khi sống”.

Cũng theo chị Mẹ Khánh Linh, chị góp 1 triệu và 1 con bò để làm đám ma cho bố. Ông Khăm Phết Lào thì góp 2 con bò, 1 con trâu… Với tổng số 21 người con (hiện 10 người còn sống) và gần 200 cháu, chắt, số lượng trâu, bò, lợn đóng góp để làm đám tang cho “cây đại thụ Tây Nguyên” sẽ lên đến mấy chục con.

Khi tôi hỏi Khăm Phết Lào về số lượng chính xác cháu, chắt của A Ma Kong thì ông lắc đầu bảo, “không tính được đâu. Đau đầu lắm”. Tuy nhiên, ông cũng nêu ví dụ về Y Kong, con cả của cụ A Ma Kong để tôi thấy, sự đông con, nhiều cháu của gia tộc này. Đó là, Y Kong năm nay ngoài 80 tuổi, có 10 người con. Những người con của Y Kong trung bình mỗi người có 7 người con. Y Kong hiện nay đã có chắt. Chỉ riêng Y Kong thôi thì số lượng con cháu đã mấy chục người rồi.

Cũng theo ông Khăm Phết Lào, sau 6 ngày tổ chức tang lễ tại nhà (cúng, cồng chiêng, nhảy múa theo phong tục), chiều thứ Năm (8/11), lễ an táng cụ A Ma Kong sẽ diễn ra tại nghĩa trang của Bản Đôn. Khi tôi đang viết những dòng này, con cháu cụ A Ma Kong đã đưa gỗ từ rừng về (việc chặt gỗ phải có phê duyệt của chính quyền) để làm tượng nhà mồ.

 

 

Khách du lịch tại nhà sàn 100 tuổi của cụ A Ma Kong.

 

Tiếng cưa, tiếng đục… vang lên. Chỉ có những người có tiếng tăm mới được làm tượng nhà mồ - A Ma Kong trong lòng người dân Bản Đôn, người dân Tây Nguyên là một người danh tiếng và đáng kính. Thế nên, quanh mộ ông sẽ có tượng voi, tượng hươu, nai…

A Ma Kong - Người của những huyền thoại

A Ma Kong không chỉ là cây đại thụ trong gia tộc có 4 thế hệ mà ông còn là huyền thoại của Tây Nguyên. Nhắc đến ông, người ta nghĩ ngay đến huyền thoại săn voi. Kỳ tích săn 298 con voi, trong đó có 3 con bạch tượng của ông khiến người ta... hoài nghi. Bản thân tôi trước khi bước chân vào ngôi nhà sàn 100 năm ở Bản Đôn cũng như vậy. Tuy nhiên, chứng tích của việc chinh phục gần 300 con voi được lưu giữ trong bảo tàng gia đình về dụng cụ săn bắt voi, thành tích săn bắt voi tại đây đã hóa giải mối nghi ngờ này. Chiếc mâm đồng, chiếc bành voi… là những hiện vật người dân Bản Đôn tặng những dũng sỹ săn voi đã chinh phục được số lượng voi nhất định là những minh chứng.

Huyền thoại A Ma Kong còn gắn với việc có… nhiều vợ, nhiều con, nhiều cháu. Ông có cả thảy 4 người vợ và 21 người con. Người vợ út kém ông tới cả 50 tuổi và ông còn là người đàn ông có thể sinh con khi đã ngoài 80. Trong số 4 người vợ của ông, hiện nay chỉ còn người vợ 2 còn sống. Người vợ này ông đã lấy theo tục nối dây (chị mất, lấy em gái). Hiện nay, bà cũng gần 90 tuổi và đang sống với người con gái út.

Ngoài ra, còn phải kể đến bài thuốc gắn với tên tuổi A Ma Kong – Thuốc gia truyền A Ma Kong. Đây là bài thuốc được dòng họ nhà vua Lào truyền lại cho cụ A Ma Kong. Thuốc có tác dụng bồi bổ cơ thể - bổ thận tráng dương, ích khí, chữa đau lưng nhức mỏi - chữa đau các cơ và khớp – chữa được bệnh gout - ổn định tim mạch giảm cao huyết áp… Bài thuốc này được cụ A Ma Kong sử dụng từ lâu, theo ông nhờ đó mà ông có sức khỏe cường tráng, giúp ông săn, bắt và chinh phục thuần dưỡng được voi rừng thành voi nhà, giúp ông lấy được vợ trẻ, ngoài 80 vẫn sinh con đẻ cái như thường…

Cách đây vài năm, cụ A Ma Kong đã làm di chúc thừa kế bài thuốc quý cho con trai thứ 11 là y sỹ Khăm Phết Lào. Hiện nay, ông Khăm Phết Lào đang tiếp tục duy trì, phát triển bài thuốc theo tâm nguyện của cha. Ông cũng lập website http://amakong-khamphetlao.vn để giới thiệu về gia tộc “vua voi” của mình cũng như quảng bá bài thuốc.

 

Cách đây 10 năm, UBND Đắk Lắk cấp kinh phí trên 286.000.000 đồng giao cho Giám đốc Sở Khoa học công nghệ - Giám đốc Sở Y tế và Chủ tịch Hội Đông Y tỉnh Đắk Lắk ký hợp đồng với tập thể trường Đại học Y Huế thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học bài thuốc gia truyền quý hiếm nói trên với tên đề tài “Sưu tầm, định danh, xác định thành phần hóa học và tính chất sinh học một số cây thuốc của dân tộc bản địa Đắk Lắk”, trong đó có cây TơmTrong A Tao Nenso, một trong những vị thuốc của bài thuốc A Ma Kong.

Kết quả xác định, thành phần hóa học có trong cây này có tác dụng chữa được nhiều bệnh ví dụ: điều hòa Lipid, máu, giảm Cholesterol máu dẫn tới giảm nguy cơ các bệnh tim mạch – chống được xơ vữa động mạch, phòng ngừa tăng sinh tế bào cơ trơn mạch máu, đóng vai trò trong tiến triển xơ vữa động mạch, kìm hãm sự phát triển tế bào ung thư…

Đặc biệt Tơm Trơng Atao Nenso có thể là nguyên liệu để sản xuất Phytosterol, thuốc cần cho người có Cholesterol cao và phòng ngừa bệnh tim mạch. Nhóm chất này có thể là hoạt chất có tác dụng androgen kích thích tình dục sản sinh Testosterol, một vị thuốc thật hấp dẫn cho giới mày râu.


Người viết : Cao Hồng