Amakong- Ngọn gió hoang Tây Nguyên

Thứ sáu, 13/07/2012, 16:17 GMT+7

Huyển thoại vua săn voi Amakong

Chúng tôi gặp Ama Kông lần đầu tiên vào năm 1985 khi ông vừa kết thúc chuyến săn voi dài 48 ngày từ đông Trường Sơn sang tây Trường Sơn. Lần ấy, ông bắt được 7 con voi....

Trong đó có con voi thứ 298 con cuối cùng trong cuộc đời của ông vua săn voi. Voi của ông bắt được từng trở thành báu vật dâng vua, thành voi nhà, voi kháng chiến vận chuyển lương thực, vũ khí cho cách mạng. Con voi nhà có tên Khăm Thưng sau này nhiều lần thắng lớn trong các cuộc đua voi lễ hội hằng năm ở buôn Đôn.

Chú nhóc thành vua

Ông già Tây Nguyên này ưa chuyện và thích được trò chuyện với du khách bằng tiếng Pháp. Ông bảo hồi nhỏ ông cùng hai người anh em kết nghĩa là Y B’lốc và Y Ngông đi học trường Tây, sau này cả hai đều là người nổi tiếng ở Tây Nguyên… Y B’Lốc thành thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam còn Y Ngông Niê K’đam trở thành bác sĩ, đại biểu Quốc hội nổi tiếng cùng với Anh hùng Núp của Tây Nguyên. Hỏi ông chuyện săn voi là khơi đúng mạch chuyện của người già. Ông vui vẻ dẫn khách đi xem đồ nghề săn voi và cao hứng, ông vớ lấy chiếc tù và thổi lên những âm thanh hùng tráng của rừng đại ngàn.Ông bảo đây là lệnh thu quân khi con voi rừng đã bị voi nhà kép chặt.

Chuyện săn voi của Ama Kông kể bên bếp lửa và nhâm nhi ly rượu ngâm bằng cây rừng, củ rừng, lá rừng do chính ông hái lượm mang về tưởng như không thể dứt. Chúng tôi không ngờ, chẳng bao lâu sau, bài thuốc ngâm rượu của ông trở thành thần dược nổi tiếng xa gần. Tiếng lành đồn xa, bài thuốc của ông được ưa chuộng đến nỗi chút nữa bị một anh bác sĩ ở Đắk Lắk cướp trắng, đòi mãi mới được bản quyền. Chuyện săn voi của Ama Kông bắt đầu từ năm ông mới 13 tuổi. Ông ngoại là Y Thu đưa Y Prông Êban-tên của Ama Kông lúc nhỏ và tên theo tiếng Lào là Khăm Proong - vào đội săn voi và dạy cháu các kiến thức cần thiết cho nghề đặc biệt này. Năm 17 tuổi, Êban đã có đủ những phẩm chất của một thợ săn voi đầu đàn. Không chỉ biết dồn voi rừng vào vòng vây, biết quăng dây vào chân voi để voi nhà ép hai bên và rong nó về buôn. Êban cũng được học cách bỏ đói, cho ăn và dẫn dụ voi rừng quen người, quen buôn làng và làm bạn với đàn voi nhà để mau chóng thuần dưỡng thú hoang thành voi nhà biết nghe lời, biết kéo gỗ, biết cõng bành voi đưa khách du lịch vượt sông Sêrêpốk.

Quả thực Y Thu là vua săn voi có uy danh lừng lẫy. Nghe nói Y Thu bắt được trên 500 con voi giỏi đến nỗi nhà vua Thái Lan đã phong cho Y Thu là Khun Ju Nốp, nghĩa là Vua săn voi. Hiện nay ở buôn Đôn vẫn còn phần mộ và ngôi nhà kỷ niệm của Khun Ju Nốp. Khoảng năm 1960 gì đó, Ama Kông bắt được một con voi trắng, người già bảo phải đem tặng cho Ngô Đình Diệm, được ông Diệm tặng súng săn và nhiều tiền bạc, đủ mua 2 con voi khác, lại mua được cả xe Jeep. Sau này khi có luật bảo vệ và phát triển rừng, ông thôi săn bắn voi và trở thành cựu vua săn hồi hưu, chuyên kể chuyện săn voi và bán thuốc cho du khách.

Bài thuốc T’klơng M’Iêng

Khăm Phết Lào, con trai út của Ama Kong cho biết, thời gian gần đây, Ama Kông ít tiếp khách, một phần vì tuổi cao, phần vì bởi có những cuộc tiếp xúc với khách lạ làm ông đau cái đầu nên không vừa lòng. Song, do đã quen biết AmaKong tại khu du lịch Buôn Đôn, nên chúng tôi không ngại ngần đến chào Ama Kông một cách trân trọng và thân mật :

- Xin chào huyền thoại voi Tây Nguyên.

- Và xin chào “ngọn gió hoang” Tây Nguyên.

Cũng chính điều này đã xóa đi sự ngăn cách giữa chủ và khách. Khăm Phết Lào và mẹ, chị Ama Su May tiếp chúng tôi thật thân thiện. Sau khi rót nước nấu từ rễ các loại cây rừng, anh mang ngay bình rượu quý ra mời chúng tôi.

- Đây là rượu thuốc Ama Kông chính hiệu đó

- Khăm Phết Lào tự giới thiệu.

- Lại được uống rượu Ama Kông, cùng với dũng sĩ săn bắt voi số một Tây Nguyên Ama Kông, lại ngay tại nhà Khăm Phết Lào còn gì thú vị hơn

- Tôi đỡ lời và trò chuyện với Ama Kông. Hỏi lại Ama Kông rằng ông sinh năm nào, ông bảo cái căn cước nó ghi sinh năm 1917 là sai đấy. Mình sinh từ cái năm người Kinh, người Thượng bị bắt sang Pháp làm lính thợ mà.

Được lời như cởi tấm lòng, Khăm Phết Lào cười nói:

- Gia đình chúng tôi vừa tổ chức mừng thọ 100 tuổi cho cha .

- Vậy là AmaKong đã sang tuổi một trăm ?

- Đúng vậy, cha tôi sinh năm 1910. Chúng tôi đã thịt một con trâu thật lớn, chia đều cho tất cả anh chị em để mừng thọ cha. Vậy là Ama Kông đã sang tuổi 100 rồi. Vua săn voi đã sống gần trọn thế kỷ 20 và vắt sang thế kỷ 21 đã được 10 năm.

Vừa lúc đó chị Ama Su May bưng ra một đĩa thịt trâu khô, mà theo Khăm Phết Lào, cha anh rất khoái món này, mời chúng tôi dùng với rượu AmaKong. Khô trâu được Khăm Phết Lào chế biến tại nhà thật khéo, thơm, ngon, ngọt, bùi, béo, cay… có điều tôi hơi băn khoăn là nó hơi cứng thì Ama Kông ăn làm sao được. Như hiểu ý tôi Khăm Phết Lào cho biết, cha anh tuổi tuy cao nhưng răng còn tốt lắm. Ông còn thường xuyên thổi tù và để giải trí và rất thích nghe nhạc Lào. Bây giờ ông yếu rồi chỉ cộng tác với Trung tâm du lịch Bản Đôn mỗi khi cần tiếp khách thích chuyện voi và ưng thang thuốc của ông thôi. Quay sang Ama Kông tôi thưa:

- Ông đã bắt được bao nhiêu con voi?

- 298 con, trong đó có 3 con voi trắng.

- Kỷ niệm nào đáng nhớ trong đời săn voi của ông?

- Có lần đang rượt theo voi rừng, tôi đã bị cành cây đâm xuyên đùi, lần khác cũng bị cành cây đâm gẫy xương tay… thế nhưng chính từ những tai nạn này mà tôi được biết đến môn thuốc gia truyền trong nghề săn voi mà Y Thu K’Nul - người đã săn được gần 500 con voi - luôn mang bên mình đã cứu tôi lúc nguy khốn.

Nói đến đây, Ama Kông không ngần ngại vạch áo, kéo quần, chỉ cho chúng tôi thấy những vết sẹo dài trên cơ thể, bằng chứng của những trận quyết chiến giữa người và thú trong rừng đại ngàn Tây Nguyên một thuở.

- Vậy là từ nghề săn bắt, thuần dưỡng voi, ông có thêm nghề bốc thuốc trị bệnh cứu người ?

Cũng chỉ là rễ, lá, cây rừng…nhưng tốt lắm đó. Không có gì là bí ẩn cả. Chỉ là các cây trong rừng Tây Nguyên thôi. Chung quy có 5 vị chính như: Tơm Trơng atao anenso, Tơm trơng dong Ruch, Tơm trơng Sre, Nam yong và Kook Drêm. Có điều lượm cành, hái lá, đào rễ cây rừng vào mùa nào, thời gian nào và pha chế ra sao, đó mới chính là bí quyết. Ama Kông kể cho chúng tôi nghe và chỉ cho chúng tôi biết đường đi đến những vùng đó một cách thành thạo, ông còn hứa sẽ là người dẫn đường đưa chúng tôi đến những nơi ấy nếu chúng tôi trở lại với Tây Nguyên.

Chợt nhớ chuyện gần đây Ama Kông đã chia tay Hồng Khăm, người vợ thứ tư khi con chung là cậu Ami Bup chưa trưởng thành. Thì ra người phụ nữ trẻ thua ông tới 50 tuổi hồi mới gặp ông đã “ưng cái bụng” và “bắt” ông làm chồng bây giờ lại bạo hành với ông. Ở tuổi ngoài 80 mới lấy vợ, thế mà nhờ bài thuốc T’klơng M’Iêng vẫn giúp ông già này có con trai. Hèn nào, bài thuốc này bị một ông bác sĩ định độc chiếm khiến Khăm Phết Lào phải thay cha đi kiện mãi mới đòi được. Và bây giờ bài thuốc đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đăng ký nhãn hiệu theo Quyết định số 72097 ngày 24/11/2008.

Ông vua săn voi ở tuổi 100 giờ lại cô đơn như anh chàng Yprông Êban hồi chưa lấy H’Nô làm vợ từng được bao nhiêu cô gái trong vùng muốn bắt làm chồng. Tuy nhiên Êban vẫn phải lấy H’Nô theo ý của Y Thu, dù H’Nô là người trong họ. Vào khoảng năm 1941, H’Nô bị bệnh chết, Ama Kông phải nối dây lấy em gái H’Nô là H’ Hốt làm vợ. Hẳn là vì vậy mà ít lâu sau ông muốn bỏ H’Hốt để lấy vợ mới là H’Biai. Người đàn ông si tình này bỏ đến buôn khác sống cùng người vợ thứ ba này. Lấy được chồng giỏi, H’Biai đốc chứng, thích uống rượu, hát múa suốt ngày đêm. Rồi H’Biai chết vì bị cảm sau một lần say rượu để lại cho người già giỏi giang này nỗi cô đơn như con voi mất đàn, con thú mất tổ. Và thế là Hồng Khăm không bỏ lỡ cơ hội. Vậy mà bây giờ họ lại chia tay nhau mất rồi. Ama Kông ở tuổi 100 suýt nữa lại lẻ bóng nếu con cháu không động viên ông về lại với H'Hốt bà vợ thứ hai đã giận ông mấy chục năm rồi.

Khi chia tay với vua săn voi, người con của núi rừng Tây Nguyên Ama Kông, chúng tôi không quên xin ông một chữ ký làm kỷ niệm. Còn Khăm Phết Lào vui vẻ mời chúng tôi chụp tấm ảnh chung với “cây cổ thụ của rừng đại ngàn Tây Nguyên”. Mùa xuân, nắng và gió đang về trên đất Tây Nguyên.

Mai Vân- Bảo Giang


Người viết : admin