Tháng Ba – Mùa cafe ngậm quả

Thứ ba, 10/07/2012, 18:53 GMT+7

Người chủ sở hữu bài thuốc bí truyền

Tôi đến Tây Nguyên đúng dịp thanh minh – Và cũng là mùa cafe ngậm quả. Thoảng trong gió cao nguyên là mùi hương nhẹ thanh thoát của những chùm hoa cafe trắng muốt chưa kịp rụng cánh để chồi quả non. Dòng sông chảy ngược Sê rê pốk – con sông trong tâm thức của người dân bản địa được hình thành bởi sông Đực và sông Cái mùa này nước trong vắt. Từng nhịp, từng nhịp sóng nhỏ vỗ về những bộ rễ cây tua tủa mà mùa nước bị che khuất do mặt sông dâng cao. Dịp này, tôi cũng được đặt chân đến nơi có một điều cấm kỵ – Cấm thả diều. Điều cấm gắn liền với huyền tích ngôi tháp cổ nằm giữa rừng sâu...

1.Suốt đường bay từ Hà Nội vào Plâycu (Gia Lai), những câu hát trong ca khúc “Tháng Ba Tây Nguyên” cứ ngân vang trong tôi. “Tháng Ba. Mùa con ong đi lấy mật... Mùa em đi phát rẫy làm nương....”. Tôi thầm nghĩ, mình thật may mắn khi đến vùng đất bazan vào cái mùa đẹp nhất trong năm, mùa “cho con công múa, cho con cá bơi...”. Hà Nội từ trước và sau Tết Nguyên đán, lạnh và nồm. Nhiều hôm, nồm đến mức sàn nhà, trần nhà cũng toát “mồ hôi”.

Thế nên, khi đặt chân xuống phi trường Plâycu, tôi như choáng ngợp trước nắng và gió ở đây. Nắng nhưng không nóng, gió nhưng không quẩn. Cái nắng, cái gió ở nơi bao la nằm ở độ cao gần 1000m so với mặt biển vừa óng ả, vừa phóng khoáng. Tôi hít hà một hơi thật sâu cho thỏa nỗi khát thèm nắng gió mà suốt mấy tháng qua, thiên nhiên không chịu ban tặng cho xứ Bắc. Nhìn nắng, hưởng gió cao nguyên, tôi chợt chạnh lòng nghĩ đến những ruộng đậu tương đã rũ hết lá mà người nông dân ở Thái Bình không thèm thu hoạch. Trồng cây mà không “thèm” hái quả là sao? Mưa phùn, nồm nên đậu có thu hoạch về vẫn phải chất đống trong nhà và chỉ ít hôm sau hạt sẽ bị đen, mốc. Mà hạt đậu đã đen, mốc rồi chỉ có mỗi cách vứt đi... Giá như, có thể mượn được cái nắng, cái gió ở đây vài ba ngày thôi thì vụ mùa thứ 3 trong năm của người nông dân miền Bắc đã không bị thất bát như vừa rồi. Nhưng “mượn” nắng, “mượn” gió đâu phải là chuyện muốn là được. Nó cũng giống như ở xứ Bắc đâu có nữ thần Mặt trời, người con gái có làn da trắng, có mái tóc dài mà các thần nam lẫn trai tráng ở các buôn làng ngày đêm thầm nhớ, chinh phục như ở Tây Nguyên.

Nói như vậy hẳn là người Tây Nguyên được ông trời ban tặng cho mưa thuận, gió hòa sao? Xứ này có 6 tháng mùa mưa, 6 tháng mùa khô. Mùa mưa thì mưa suốt ngày. Mưa đến đất nhão nhượt dưới chân người. Mưa nhiều nhưng đất lại không giữ được nước. Thế nên, vào mùa khô thiếu nước là chuyện thường. Trồng cafe mà thiếu nước coi như thất thu. Thế nên, có những nơi đất đai bằng phẳng, rộng thẳng cánh cò bay nhưng tịnh không có một cây cafe. Ở đó, chỉ có cây điều. Loài cây cho những hạt cong cong béo ngậy chịu được khát như ở huyện Ea suop mà tôi sẽ đề cập sau.

 

 

Vua voi” A Ma Kông, con trai Khăm Phết Lào và tác giả (nữ) tại ngôi nhà sàn cổ.

Lần trước đến Plâycu, đúng mùa bơ chín nên tôi chết lịm bởi vị béo ngậy, thơm thơm của nó. Lần này, tôi lại bị hút hồn bởi những trái vú sữa nếp. Nếu so với vú sữa ... không phải nếp, quả này nhỏ chỉ bằng phân nửa. Thế nhưng khi ăn vào, vị ngọt của những “giọt sữa” tứa ra khiến ta không thể nào quên được. Hiện mới là đầu vụ nên vú sữa không có nhiều để bán tràn lan. Thế nên chỉ có bất chợt trong ngày, người dân bản địa địu bằng vai hoặc “địu” bằng xe gắn máy đến khu vực trước cổng chợ Plâycu bán. Cũng chính trên mảnh đất cho thứ trái cây “ngọt ngào như dòng sữa mẹ” này, cũng là nơi chôn vùi những cây cổ thụ triệu tuổi dưới lòng đất. Biến chúng thành những cây hóa thạch mà khi ta được chạm tay vào, ta chợt thấy đời người đúng nghĩa chỉ là cái chớp mắt. Khi cầm một mảnh nhỏ của cây hóa thạch trên tay, tay ta chợt trũng xuống vì nặng. Lúc này, ta lại nhận thấy một điều hiển nhiên rằng, thiên nhiên đã gánh trên vai mình gánh nặng trầm luân. Thú chơi đưa rừng về phố, đưa thiên nhiên vào trong phòng ngủ vừa giúp con người ta khám phá nhiều điều mới mẻ của đất trời song không thể ngậm ngùi khi nghĩ đến mai này, thiên nhiên bị tận diệt. Mà thôi, khoan nói đến tương lai. Hãy tìm hiểu về hóa thạch của cây cổ thụ có tuổi đời cả triệu tuổi đang được trưng bày ở khu du lịch Đồng Xanh (thành phố Plâycu) để biết, thiên nhiên kỳ diệu cỡ nào.

Gốc cây hóa thạch to, cỡ vòng tay ôm với những vân, màu sắc của đá. Nếu không có bảng chỉ dẫn, hẳn mọi người đều nghĩ đây là tảng đá cảnh chưa qua mài rũa. Thực ra, gốc cây này được phát hiện từ năm 2005, ở miệng núi lửa Chư A Thai bởi một người dân Phú Thiện (Gia Lai). Ban đầu, người phát hiện ra cây hóa thạch này chỉ nghĩ rằng, đây là một trụ đá bị chôn vùi trong lòng đất. Thế nhưng càng đào lên, trụ đá càng có hình dáng của cây. Khi xác định, đây là cây hóa thạch thì không chỉ những người sưu tầm đá, mà các nhà khoa học cũng vào cuộc. Kết quả được xác định, cây có niên đại 100.000 tuổi, là cây có tuổi đời lớn nhất tìm thấy ở nước ta. Là người đến từ Hà Nội nhưng khi đọc bài báo được dán trong phòng trưng bày ở khu du lịch Đồng Xanh, tôi mới biế, một đoạn thân cây hóa thạch này đang được trưng bàu lở Trung tâm hội nghị quốc tế Hà Nội. Thế đấy, phải đến tận nơi phát hiện ra báu vật, tôi mới biết giá trị thực sự của nó.

2.Tôi rời Plâycu và thẳng tiến phương Nam theo Quốc lộ 14 – Con đường mà nếu cứ đi, tôi sẽ đến thành phố Hồ Chí Minh. Thứ nhưng, lộ trình của tôi là thành phố Buôn Mê Thuột (tỉnh Đăk Lăk) nên chặng đường được xác định là 180km. Cũng như nhiều con đường lớn khác ở Việt Nam, hai bên đường đều có những ngôi nhà ... bám đường. Chỉ khác là, nhà ở đây thưa thớt hơn. Nhiều đoạn, người ta bày bán ngô luộc, lạc luộc đủ thấy kiểu đưa sản vật địa phương đến với khách đi ngang qua cũng chẳng khác cung cách của những người nông dân bám Quốc lộ 3 (đoạn qua huyện Đông Anh) là mấy.

Rồi những hàng thông cổ thụ hiện ra trước mắt tôi. Những cây thông thẳng tắp, cao vút giữa trời xanh. Ôi! Sao lẫn trong đó lại có những cây thông chết, “khoe” thân hình bạc phếch giữa nền xanh thẳm? Bật cười trước câu hỏi của tôi, anh lái xe bảo đó là do người ta cố tình làm cho cây chết. Sao lại vậy chứ? Theo anh tài xế, khu rừng thông này trước đây do lâm trường quốc doanh trồng và quản lý, nay hình như người ta bàn giao cho doanh nghiệp nào đó. Trồng thông, khai thác thông không hiệu quả bằng trồng cafe, cao su... nên có thể, người ta đang chuyển mục đích sử dụng. Thông chết dần..., cơ hội chuyển đổi mục đích sử dụng đất càng lớn. Đi về phía Nam, tôi lại thấy những khúc gỗ thông để lăn lóc hai bên đường. Nếu khai thác một cách chính đáng, đây  sẽ là nguyên liệu cho ngành giấy, ngành chế biến gỗ. Nhưng nếu cứ để xảy ra tình trạng “thông tặc”, vừa lãng phí, vừa gây sót xa lòng người.

Chưa dứt cơn vơ vẩn với thông xanh, thành phố Buôn Ma Thuột đã hiện ra trước mắt tôi. Thành phố cao nguyên rợp bóng cây. Nhiều nhất là những cây long não, lá nhỏ, quả chín vàng trông thật đẹp mắt. Thi thoảng, trên phố lại có những cây dầu, lá to xanh ngắt. Những quán cafe thật rộng, nhạc du dương...

3.Bản Đôn – Nơi mà thực dân Pháp trong những năm cai trị nước ta từng muốn xây dựng thành thủ phủ của Tây Nguyên nằm cách Buôn Mê Thuột chừng 40 km. Theo tỉnh lộ 1, tôi hướng về bản Đôn với tâm trạng đầy háo hức. Háo hức như giai điệu trong ca khúc “Chú voi con ở bản Đôn” của nhạc sỹ Trần Tiến vậy. Đi qua huyện lỵ huyện Buôn Đôn không xa, chúng tôi đến bản Đôn. May mắn cho tôi là trong chuyến khám phá Tây Nguyên này có sự dẫn dắt của người bản địa chính hiệu. Đó là Khăm Phết Lào, người con thứ 11 của “vua voi” A Ma Kông. Khăm Phết cũng là người thừa kế bài thuốc tráng thận, bổ dương, tăng cường sinh lực nổi tiếng khắp trong Nam ngoài bắc. Bài thuốc mà bất kỳ ai khi đến xứ này cũng quyết mua cho bằng được ít nhất một gói A Ma Kông chính hiệu mang về. Nói là thuốc A Ma Kông chính hiệu bởi, đây là loại thuốc bị làm giả rất nhiều. Rất có thể, mua thuốc tại bản Đôn vẫn bị mua phải thuốc giả như chơi. Còn việc bài thuốc này từng bị ông bác sỹ định cướp về cho riêng mình được làm rùm beng cách đây chừng 10 năm. Nếu không có những người công tâm, biết quý, biết yêu những giá trị nhân bản thì rất có thể khi ra trước công đường, Tòa án không thể bác được câu “bác sỹ Hồ Việt Sang là người duy nhất được thừa kế bài thuốc này” trong một văn bản có xác nhận của “vua voi” A Ma Kông. Cái câu có đủ ý tứ, chặt chẽ về ngữ nghĩa này dù được xác nhận của “vua voi” song lại lộ rõ ý đồ xấu mà ai cũng dễ dàng đọc ra. “Vua voi” có hơn 20 người con. Hầu hết trong số họ ngay từ nhỏ đã theo cha lên rừng lấy thuốc. Đáng chú ý là trong số những người con này, Khăm Phết Lào còn là y sỹ được đào tạo bài bản. Từ bài thuốc gia truyền của gia đình và những thứ học được từ nhà trường, Khăm Phết Lào đủ kinh nghiệm lẫn kiến thức để lên rừng “lượm ve chai” (ý nói là những cây cỏ của rừng) về bào chế ra những thang thuốc được cánh đàn ông săn lùng, được những người bị thấp khớp tìm mua. Thế thì hà cớ gì, “vua voi” lại tặng nó cho một người ngoại tộc? Sự việc sau đó được làm rõ, không có chuyện “vua voi” đem báu vật của gia tộc mình dâng cho người ngoài. Sau vụ “binh biến” này, A Ma Kông chính thức giao cho người con trai thứ 11 của mình – Y sỹ Khăm Phết Lào thừa kế bài thuốc.

Dọc đường vào bản Đôn, tôi thấy không ít các cửa hàng trưng biển bán thuốc A Ma Kông. Nhìn thấy nó, người thừa kế bài thuốc trứ danh chỉ bảo, “không phải thuốc A Ma Kông thứ thiệt đâu. Người ta làm giả nhiều lắm mà”. Ôi chao! Nghe cái giọng lơ lớ rất đặc trưng của người đồng bào nói tiếng Kinh của Khăm Phết Lào mới thấy thật thà làm sao. Mặc kệ người ta làm giả, mặc kệ người ta làm nhái, Khăm Phết Lào vẫn có cách để những người có nhu cầu tìm mua thuốc A Ma Kông thứ thiệt có được thứ mình cần. Chẳng thế mà điện thoại của ông liên tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn giao dịch. Trong đó có những giao dịch chuyển tiền vào tài khoản thành công của người có nhu cầu mua thuốc. Tối về, Khăm Phết Lào đưa điện thoại cho vợ (và cũng là một y sỹ) để cô lấy tên, địa chỉ của người mua rồi ra bưu điện gửi thuốc. Giá bán một thang thuốc A Ma Kông cỡ to, loại đặc biệt tại nhà 500.000 đ. Nếu chuyển qua bưu điện, thêm 50.000 đ tiền cước. Đây là số tiền không nhỏ nhưng nhiều người từ Bắc đến Nam vẫn tìm mua. Nhờ có “ve chai của rừng”, Khăm Phết Lào có sửa sang lại ngôi nhà cấp bốn khá rộng, có tiền đi nhậu và số dư thì mua ...cá khô. Đó là triết lý sống giản đơn của người đàn ông cao lớn, đậm chất Tây Nguyên này là thế.

Trong hành trình đến Tây Nguyên lần này, tôi tâm niệm là phải diện kiến được “vua voi”. Việc này với người khác thì không dễ, vì Khăm Phết Lào đã “lệnh” cho người nhà là không để bố tiếp khách nhiều. Thời gian phải để ông cụ ngủ nghỉ. Người già trên 100 tuổi cần tĩnh lặng là đúng rồi. Thế nên việc anh bạn tôi từ Vĩnh Phúc lặn lội vào Tây Nguyên chơi, đến thăm ngôi nhà sàn cổ của “vua voi” nhưng vật nài của kiểu gì người nhà cũng không cho gặp cụ A Ma Kông. Nhờ có mối thân hữu với Khăm Phết Lào, lại được chính ông đưa đi khám phá Tây Nguyên nên tôi có dịp được trò chuyện với ông cụ năm nay “mới”... 102 tuổi. Dù bước đi chậm chạm nhưng da dẻ cụ A Ma Kông vẫn hồng hào lắm. Chúng tôi giao tiếp với cụ phải qua sự phiên dịch của Khăm Phết Lào. Không biết tiếng Kinh nhưng A Ma Kông lại thành thạo tiếng Pháp. Nghe Khăm Phết Lào bảo rằng, trong thực đơn hàng ngày của “vua voi” ngoài thức uống làm từ thuốc A Ma Kông còn có sữa Ensua và trứng gà, tôi chợt thấy ông y sỹ ngành y học dân tộc này là người rất thực tế. Ông sử dụng cả thứ đồ ăn có nguồn gốc từ phương Tây chứ không bảo thủ đến mức chỉ cho cha ăn những con cá bắt từ sông Sêrêpôk chảy ngay sát nhà. Nhắc đến nhà, tôi thấy phải nói đến ngôi nhà sàn 100 tuổi mà “vua voi” đang ở. Đây là một trong những địa chỉ nằm trong tuor bản Đôn của các hãng lữ hành. Đó là ngôi nhà mang đậm chất Tây Nguyên được làm hoàn toàn từ gỗ. Bên trong nhà là một bảo tàng trưng bày những hiện vật liên quan đến việc chinh phục gần 300 con voi rừng của A Ma Kông. Chúng hoàn toàn có nguồn gốc từ thiên nhiên. Đó là đoạn dây thừng làm từ da trâu dài mấy chục mét, là cái mu rùa được mang theo khi đi săn, là tấm da trâu rừng dày cộp mà chỉ những ai chinh phục được 100 con voi mới được sử dụng.... Để biết về cuộc sống, sinh hoạt cũng như dũng khí của người Tây Nguyên, chỉ một lần ghé thăm “bảo tàng” của “vua voi” sẽ giúp lữ khách biết thật nhiều về những thứ mà mình tìm kiếm trong hành trình rong ruổi ở miền đất này.

4.Có một ngôi tháp Chăm cổ ở nơi sâu nhất, xa nhất giữa núi rừng Tây Nguyên? Bạn đã nghe nói đến bao giờ chưa? Còn tôi, lần đầu tiên nghe và nhất quyết sẽ đến tận nơi để được ngắm nhìn. Và rồi từ bản Đôn, chúng tôi đi đến huyện Ea suop. Chúng tôi đi trên con đường nhựa, chạy xuyên qua Vườn quốc gia Yok đôn. Không như tưởng tượng của tôi, rừng khá nghèo và ... trẻ. Không có những cây cổ thụ cả trăm tuổi, không có những thảm thực vật nhiều tầng dày đặc như thường thấy ở những khu rừng giàu còn sót lại ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Anh lái xe bảo rằng, gọi đây là rừng tái sinh thì đúng hơn. Còn Khăm Phết Lào thì buồn rầu bảo, nếu đến một ngày rừng Yok Đôn không còn, ông sẽ mất chỗ để đi “lượm ve chai”. Liệu rồi sẽ có cái ngày, người làm thuốc từ cây cỏ của rừng như Khăm Phết hết chỗ tìm nguyên liệu không? Với đà chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su như đã từng xảy ra, thì cái ngày đó rất dễ đến gần. Anh lái xe tên Hòa, quê gốc ở đất trạng Hoàng Hóa, Thanh Hóa khoe với tôi rằng, cách đây không lâu chính anh được một nhóm phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam thuê chở vào một khu Vườn quốc gia để quay cảnh phá rừng. Khi phóng sự này phát đi, nhiều người quen đã nhận ra chiếc xe ô tô của anh nhờ màu sắc và cái biển kiểm soát đã bảo rằng, “không sợ bị trả thù à”. Anh bật cười và bảo, “tôi làm nghề lái xe. Từ lái xe ôm, đổi đời sang lái xe ô tô con, ai thuê đi đâu thì chở, biết gì thì nói chứ có gì mà sợ”. Cũng làm nghề báo nên tôi hiểu, khi đi tác nghiệp mà gặp được người biết đường, biết việc như anh Hòa thì xem như đã hoàn thành một nửa. Giống như tôi hôm nay, khi đăng băn khoăn về sự nghèo nàn của rừng nhưng được anh chia sẻ cũng bớt thắc mắc đi đó sao.

Chặng đường gần 100 km được rút ngắn do những câu chuyện không ngớt về rừng, về con người Tây Nguyên. Và rồi, chúng tôi cũng đến tháp Chăm. Tháp nằm trong phần sót lại của khu rừng già rộng chừng 4 ha, được bao phủ bởi những cây cổ thụ. Khoảng rừng bao quanh tháp thật đẹp và giàu. Những cây cổ thụ mấy trăm tuổi cành lá xum xuê vươn thẳng lên trời cao. Các tầng thực vật đua nhau vươn ra đón ánh nắng mặt trời cho thấy, rừng giàu có và đa dạng cỡ nào. Cây ôm cây! Cây ôm cây nhiều quá! Nhìn những cây cổ thụ cao to sừng sững quấn chặt lấy nhau để đi hết cuộc đời khiến kẻ lữ hành đơn côi như tôi thầm ước... Khi hỏi về ngôi tháp, cô gái ăn mặc tân thời theo phụ việc chụp ảnh cưới cho đôi uyên ương váy áo xúng xính bảo rằng, đây là tháp Bà. Vào đây, nên cầu duyên. Tháp Bà ư? Tại sao ở nơi xa xôi, cách trở này mà người xưa có thể chuyên chở được những viên gạch bằng đất nung – Loại vật liệu thường thấy trong kiến trúc Chăm lên đây? Tôi từng đến tháp Chăm ở Phan Rang và tận mục kiến trúc đặc thù của người Chăm cũng như văn hóa tâm linh của họ. Tại sao, ngôi tháp cổ mấy trăm năm tuổi lại được xây dựng tại khu rừng này? Chỉ đến khi gặp anh Y Sum Ê ban, người dân tộc Gia Rai, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Ea Rốc, huyện Ea Suop, tôi mới tường tận về ngôi đền này.

Y Sum kể rằng, từ khi anh là đứa bé đã biết đến ngôi tháp và nghe rất nhiều huyền thoại về nó. Trong những câu chuyện của người lớn về tháp bao giờ cũng có lời răn dạy trẻ nhỏ - Không được thả diều. Tục cấm thả diều liên quan đến ngôi tháp cổ bằng một câu chuyện đầy bi thương. Chuyện kể rằng, có một công chúa người Chăm đến vùng đất này sinh sống. Khi nàng chở dạ, bà đỡ vì mải xem thả diều nên không có mặt. Khi người chồng trở về thì cả vợ và con đều chết. Tức giận, ông chém chết bà đỡ. Sau này, người dân xây dựng ngôi tháp. Tháp có tên Yang Prong (“Yang” có nghĩa là thần, “Prong” có nghĩa là vĩ đại). Xuất phát từ tích này, không một cánh diều nào bay trên bầu trời khu vực này. Về sự linh thiêng của ngôi tháp, người dân trong vùng còn lưu giữ câu chuyện rằng, năm 1972 có một người lính bảo an sau khi ném lưu đạn vào bậc thềm ngôi đền. Trên đường về, người này đã chết bất đắc kỳ tử. Không xâm phạm đến ngôi tháp vừa là lời răn dạy của người lớn, vừa là cách để bảo tồn ngôi tháp cổ. Thế nên, bất kể người nào khi vào đây cũng không được hái dù chỉ là một lá cây xung quanh khu vực tháp.

Trong ngôi nhà sàn của Y Sum tại xã Ea Rốc, tôi lại biết thêm về biệt tài của người dân ở địa phương có ngôi tháp cổ. Tài bắn nỏ. Ở vị trí trang trọng nhất trong nhà là những tấm bằng khen, giấy khen chứng nhận thành tích bắn nỏ đạt Huy chương vàng, Huy chương bạc... của Y Sum và 6 đứa con anh. Tài bắn nỏ liên quan đến tập tục sinh sống của người dân nơi này và cả khát vọng chinh phục thiên nhiên của họ. Ở nơi thiên nhiên hoang dã, ở miền đất sâu nhất, xa nhất có ngôi tháp cổ, người ta đã sống, đã chinh phục và sống cùng những câu chuyện bất tử cùng thời gian. Đến Tây Nguyên mùa cafe đang ngậm quả tôi đã nghe, đã thấy, đã ngửi và đã cảm nhận được sự bao la và giàu có của con người và vùng đất làm nên những bản tình ca phóng khoáng. Nhưng, tôi cũng biết rằng, đấy chỉ là sự thu thập rất nhỏ nhoi trong sự giàu có vô biên của Tây Nguyên. Tôi tự hứa với lòng mình sẽ quay lại đây vào mua trái cafe chín mọng để được ngắm nhìn...

Cao Hồng 


Người viết : admin