Gia tài của “vua voi” Tây Nguyên cuối cùng ở Hà Nội

Thứ hai, 26/02/2018, 08:33 GMT+7

Voi là linh hồn của Tây Nguyên. Voi gắn với đời sống vật chất, tinh thần của bà con các dân tộc M’nông, Gia rai, Ê đê… nơi đây Rừng bị tàn phá, ngôi nhà của voi bị thu hẹp. Voi nhà đôi khi bị vắt kiệt sức phục vụ khách du lịch. Dẫu vậy, voi vẫn không thể rời xa đời sống của người Tây Nguyên.Gia tài của “vua voi” Tây Nguyên cuối cùng ở Hà Nội

Ông Khăm Phết Lào, người con thứ 11 của "vua voi" A Ma Kông đã đem "gia tài" của nghề săn voi vốn được truyền lại qua nhiều đời để hiến tặng Bảo tàng dân tộc học Việt Nam.

Mới đây, trưng bày  "Voi ở Tây Nguyên" được đưa ra công chúng, trong đó chiếm phần lớn là hiện vật hiến tặng này. Đây là cách mà hậu duệ "vua voi" gìn giữ, bảo tồn, quảng bá giá trị văn hóa gắn với voi của quê hương mình đến muôn người.

"Voi Tây Nguyên" giữa lòng Hà Nội

Sự kỳ công của những người làm khoa học khiến tôi vô cùng khâm phục. Bởi tôi biết, từ đầu năm 2014, Bảo tàng Dấn tộc học (gọi tắt là Bảo tàng) đã tiếp nhận bộ dụng cụ săn voi được truyền lại qua nhiều đời do ông Khăm Phết Lào, người con thứ 11 của "vua voi" A Ma Kông hiến tặng.

30 hiện vật bao gồm: Bành voi; roi củ mây dùng để điều khiển voi nhà; cuộn dây thừng làm từ da trâu để buộc voi rừng; tù và; cây giáo đầu bịt sắt dùng để luyện voi; tấm phản bằng da trâu để dũng sĩ săn trải ngủ… được ông Khăm Phết Lào giao cho cán bộ Bảo tàng ngay tại nhà trước sự chứng kiến của người thân, họ mạc, bà con trong buôn làng và chính quyền địa phương. Sau đó ít hôm, Bảo tàng đã tổ chức lễ tiếp nhận và công bố việc hiến tặng của ông Khăm Phết Lào tại Hà Nội.

Thế nhưng, phải 3 năm sau, Bảo tàng mới thực hiện việc trưng bày. Đến tham dự buổi lễ cắt băng khánh thành  trưng bày "Voi ở Tây Nguyên" ngày 25-11 tại Bảo tàng, tôi mới biết phải trải qua một thời gian dài như vậy bởi những người làm công tác bảo tàng đã "kể" một câu chuyện đầy sống động về "Voi ở Tây Nguyên" ngay tại Hà Nội.

Gia đình ông Khăm Phết Lào bên chiếc bành voi, là hiện vật hiến tặng được trưng bày tại gian “voi ở Tây Nguyên”.

Phát biểu trước đông đảo khách mời và công chúng tham quan, ông Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng cho rằng: "Trưng bày "Voi ở Tây Nguyên" được hình thành trên cơ sở bộ dụng cụ săn bắt voi do ông Khăm Phết Lào, con trai của "vua voi" A Ma Kông, người M’nông ở Đắk Lắk tặng Bảo tàng năm 2014".

Trưng bày "Voi ở Tây Nguyên" gồm 40 hiện vật, 38 bức ảnh và phim video cùng hệ thống các bài viết được sắp xếp theo 6 chủ đề: Tập tính của voi; Bắt và thuần dưỡng voi rừng; Chăm sóc voi; Voi trong đời sống kinh tế; Voi trong đời sống xã hội; Voi trong đời sống văn hóa. Những hiện vật này đã nói lên câu chuyện của voi trong đời sống của bà con Tây Nguyên. Qua đó, giúp người xem được sống trong không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc M’nông, Gia Rai, Ê Đê… gắn với voi.

Với đặc tính thường sống trong các khu rừng thưa, xen kẽ đồng cỏ và có nguồn nước, voi Tây Nguyên thường sống thành từng đàn có vài chục con, đầu đàn là con cái. Người M’nông nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Mỗi lần đi săn voi, họ đều tổ chức các nghi thức. Đoàn thợ săn gồm có thủ lĩnh chỉ huy và các gru (thầy chính) và thợ trợ giúp (bặk sai).

 

Dụng cụ săn bắt voi được trưng bày

Mỗi đoàn săn voi có hàng chục người và sử dụng từ 6-12 con voi nhà. Các gru và bặk sai cưỡi voi tiến thẳng vào rừng. Khi gặp đàn voi rừng, chọn được voi con từ 3-5 tuổi, các gru điều khiển đàn voi nhà rượt đuổi, tách voi con ra khỏi đàn rồi bao vây. Họ tung thòng lọng bắt chân sau của voi, rồi buộc đầu dây vào gốc cây cho voi con vật lộn tiêu hao bớt sức lực, sau đó mới dẫn về buôn làng để thuần dưỡng. Những gru bắt được 60 con voi trở lên được buôn làng vinh danh là "vua voi". Để đạt được cái mốc này không dễ dàng chút nào.

Thế nên, những người được gọi là "vua voi" vô cùng hiếm hoi. Và để đạt được danh hiệu này, người thợ săn voi ngoài sự dũng mãnh, trí tuệ hơn người còn phải có những tố chất đặc biệt khác. Thế mà trong gia tộc A Ma Kông, ông không phải là vị "vua voi" duy nhất. Bởi vậy, bộ dụng cụ săn voi gồm 30 hiện vật được lưu truyền từ nhiều đời mà ông Khăm Phết Lào hiến tặng cho Bảo tàng càng trở nên đặc biệt, vì nó gắn với huyền thoại săn voi nổi tiếng ở Tây Nguyên.

Tấm lòng của hậu duệ "vua voi"

A Ma Kông là vị "vua voi" cuối cùng của Tây Nguyên. Cụ có tên là Y Prông Êban, cháu của Y Thu Knul (Khun Sunốp) - "Vua voi" nổi tiếng nhất và là người đã phát triển nghề bắt, thuần dưỡng voi rừng ở Buôn Đôn. Tương truyền, A Ma Kông đã bắt được 298 con voi, trong đó có 2 con bạch tượng (voi trắng).

Cụ sinh năm 1910 và mất năm 2012, thọ 103 tuổi. Khăm Phết Lào là người con thứ 11 của cụ, lúc nhỏ từng theo cha đi săn voi, đi vào rừng hái cây thuốc; lớn lên, Khăm Phết Lào được đi học nghề đông y và hiện đang là người được thừa kế và phát triển bài thuốc A Ma Kông nổi tiếng.

Tôi từng gặp "vua voi" lúc sinh thời, từng được nghe cụ thổi tù và, từng được uống cạn chén rượu được ngâm từ bài thuốc mang tên cụ mà các đấng nam nhi rỉ tai nhau sưu tầm. Ngoài việc săn và thuần dưỡng 298 con voi, cụ A Ma Kông còn nổi tiếng khi có 4 vợ và 21 người con cùng bài thuốc bổ thận tráng dương.

Năm 2012 cụ mất, tôi cũng tham dự đám tang kéo dài gần như cả tuần của cụ. Có lẽ, đó là đám tang đông nhất, vui nhất ở Buôn Đôn. Bà con các buôn làng, họ mạc, người thì mang trâu, bò, heo (lợn) đến để mổ thịt; người không có thì góp củi. Đêm đêm, trong tiếng cồng chiêng, trai gái lại nắm tay nhau nhảy múa…

Được biết, những năm đầu của thập 90 của thế kỷ XX, Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về bảo vệ động, thực vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt diệt, nhiều loài, trong đó có voi. Chính vì thế, nghề săn bắt voi không còn. Tuy nhiên, voi vẫn hiện hữu trong đời sống của bà con Tây Nguyên. Bởi những giá trị bền lâu trong đời sống văn hóa của người Tây Nguyên không thể thiếu voi. Hình tượng voi đã đi vào sử thi, thần thoại, sự tích của nhiều tộc người cư trú tại Tây Nguyên.

Hiện nay, công tác bảo tồn voi đang được tích cực thực hiện, trong đó có việc chăm sóc voi nhà, tạo điều kiện cho voi nhà sinh sản và đặc biệt là thực hiện nghiêm ngặt việc không săn bắt voi rừng. Là một người con của Tây Nguyên, từ nhỏ đã theo bố cùng những người thợ đi săn voi, ông Khăm Phết Lào rất nặng lòng với voi. Bộ đồ nghề săn voi được gia đình ông lưu giữ từ đời này sang đời khác.

Từ cuộn dây thừng làm bằng da trâu rừng đến cái tù và hay cái bành voi đầy uy thế đều là những vật không thể thiếu khi bố ông cùng đoàn thợ săn của mình vào rừng. Nó gắn liền với từng cuộc săn voi trong rừng Tây Nguyên, nó cũng gắn với quá trình mà nhiều vị "vua voi" trong gia đình ông thuần dưỡng voi.

Là con của vị "vua voi" cuối cùng của vùng đất bazan đầy huyền thoại, ông Khăm Phết Lào mong muốn, loài voi cần được bảo vệ, chăm sóc. Các thế hệ cha, ông trong gia đình ông đã gắn bó với nghề săn và thuần dưỡng voi. Họ đã là những người tạo nên danh tiếng cho vùng Bản Đôn nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Thời Pháp thuộc, Buôn Đôn là một trung tâm mua bán, trao đổi quan trọng, không những cung cấp voi cho các tộc người trong vùng mà còn đưa sang cả Lào, Thái Lan, Malaysia…

Chỉ trong 10 năm đầu của thế kỷ XX, đã có hơn 150 con voi được bán từ đây. Việc ông tặng bộ đồ nghề săn voi có niên đại từ vài chục năm đến cả trăm năm cho Bảo tàng là cách bảo lưu những giá trị văn hóa liên quan đến voi của vùng đất đầy nắng gió Tây Nguyên.

Cao Hồng


Người viết : admin


Copyright © 2012 http://www.amakong-khamphetlao.vn